Xác định xây dựng và phát triển chính quyền số là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số ở địa phương. Thời gian qua huyện Thạnh Trị đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ... Qua đó, góp phần từng bước đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện chuyển đổi số ở Thạnh Trị được xác định với các trụ cột chính là: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, chính quyền số được coi là trụ cột ưu tiên hàng đầu để thực hiện sứ mệnh dẫn dắt kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện ở địa phương. Chính quyền số là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng của CNTT. Chính vì vậy, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước ở huyện được quan tâm và đẩy mạnh.
Theo đó, huyện đã tập trung triển khai số hóa dữ liệu phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước bảo đảm tập trung, thông suốt; bảo đảm hoạt động lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền thực hiện trên môi trường số; đẩy mạnh họp trực tuyến, ký số... nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính của địa phương. Triển khai có hiệu quả hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến từ Huyện uỷ với Tỉnh uỷ, UBND huyện với UBND tỉnh; UBND huyện với UBND cấp xã. Hệ thống hội nghị truyền hình hoạt động thường xuyên góp phần mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Huyện đã tập trung triển khai số hóa dữ liệu phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước bảo đảm tập trung, thông suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trên môi trường số. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai liên thông từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh và đã được tích hợp chữ ký số. 100% các phòng, ban thuộc UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong huyện và liên thông với các sở, ngành của tỉnh.=
Cùng với việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, 100% cán bộ, công chức từ cấp huyện đến cấp xã đều đã được tạo thư điện tử công vụ. 100% CB, CC, VC cơ quan Nhà nước từ cấp huyện đến cấp xã có tài khoản mail công vụ và tài khoản trên hệ thống Quản lý văn bản điều hành; Thực hiện tốt việc sử dụng tài khoản được cấp theo quy định. Số lượng, tỷ lệ văn bản có ký số gửi liên thông trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành cấp huyện qua 9 tháng 5.442văn bản, đạt 73,02%; cấp xã: 3881, đạt 87,61. Hiện tại, lịch công tác của lãnh đạo UBND huyện và một số cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thường xuyên được cập nhật trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành và trên cổng thông tin điện tử của UBND huyện. Để triển khai các Hội nghị trực tuyến, huyện cũng đã trang bị phòng họp trực tuyến đảm bảo kết nối 2 chiều từ UBND huyện với UBND tỉnh; UBND huyện với UBND cấp xã, mang lại hiệu quả cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí.
Việc áp dụng cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001- 2008 và 9001-2015 trong hoạt động cơ quan nhà nước tiếp tục được duy trì. UBND huyện đã ban hành các văn bản, Kế hoạch về duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn huyện. Qua đó đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc giải quyết hồ sơ theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC được nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng kịp thời nhu của tổ chức, công dân. Trong 9 tháng năm 2024, Tính đến ngày 30/9 Bộ phận Một cửa huyện tiếp nhận xử lý tổng số 7.950 hồ sơ; cấp xã: 20.442 hồ sơ. Hồ sơ toàn trình và một phần tiếp nhận cấp huyện: 8.026 hồ sơ; cấp xã 11.843 hồ sơ; Hồ sơ nhận trực tuyến cấp huyện:4.643 /8.026, đạt 57,85%; cấp xã 11.153/11.843, đạt 94,18%.
Việc tiếp nhận, xử lý, kiểm duyệt và cung cấp thông tin trên Cổng Thông tin điện tử của huyện và Cổng thông tin các xã, thị trấn được thực hiện theo đúng các quy định về quản lý, cung cấp và khai thác thông tin. Hiện nay, Trang Thông tin điện tử của huyện đã cập nhật khá đầy đủ các thông tin theo quy định, cung cấp nhiều thông tin hữu ích phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Nhiều chuyên mục trên cổng đã được thiết kế, tạo lập và cập nhật thông tin thường xuyên. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của huyện luôn cập nhật đầy đủ danh mục các thủ tục hành chính cấp huyện; công khai toàn bộ quy trình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.
Có thể thấy, thời gian qua, cấp ủy chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Những kết quả trên đã góp phần đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thời gian tới, huyện nhà tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về chuyển đổi số; phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; quan tâm phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc triển khai chính quyền số; hỗ trợ các cá nhân, tổ chức thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia trên địa bàn huyện.